Sunday, January 1, 2017

Tản mạn chuyện đọc sách





LTS: Người ta đã nói quá nhiều về vai trò của sách và việc đọc sách như là cách tiếp cận và lĩnh hội một nguồn tri thức vô tận của nhân loại, ở đây chỉ xin chuyện trò với các bạn về những khía cạnh khác của việc đọc sách.

Mục đích của việc đọc sách?

Với cuộc đời trăm năm hữu hạn, chắc chắn là bạn sẽ không có đủ thời gian để đọc tất cả số sách đã, đang và sẽ xuất bản trên thế giới này. Mà cho dù có đủ thời gian, bạn cũng không nên làm thế. Việc đọc sách nên là vì nhu cầu của đời sống, công việc hoặc là một thú vui, một cách để nuôi dưỡng tâm hồn. Không nên đọc sách để "lấy thành tích", để khoe mẽ về "thiên kinh vạn quyển" đã từng xem qua vì từ đọc đến vận dụng những điều đã đọc được là một khoảng cách rất xa vời. Có những người "bụng chứa đầy kinh luân" nhưng khi gặp việc cần đến thì chẳng nêu được một ý kiến nào đáng giá.

Có một sự khác biệt tinh tế giữa "đọc sách nhiều" và "đọc nhiều sách". Những người "đọc sách nhiều" có thể cả cuộc đời chỉ đọc vài quyển sách nhưng họ đọc nó hàng nghìn lần, thấu hiểu và vận dụng thành công từng câu, từng chữ trong đó. Tiêu hóa một cuốn sách, đặc biệt là sách hay, luôn là một điều rất khó khăn; đôi khi nó là cả một cuộc vật lộn để tiếp nhận tri thức, quan điểm mới mà cuốn sách mang lại; vì chính những điều bạn đã biết sẽ ngăn cản bạn biết thêm những điều bạn chưa biết. Bạn cần phải như một chú ong cần mẫn, hút mật hoa để tạo ra mật ong. Các nhà tỉ phú trên thế giới đều là những người "đọc sách nhiều".
Vì sao phải chọn sách?

Hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng sách là một người bạn; người bạn mà ta sẽ cần đến lúc ta đối mặt với những vấn đề cần tri thức để giải quyết hoặc cần sự sẻ chia trong tâm hồn. Vì vậy, nếu cha mẹ thường dặn dò bạn "chọn bạn để mà chơi" thì tôi sẽ khuyên bạn "chọn sách để mà đọc". Bởi sách không chỉ mang đến tri thức, quan trọng hơn, những điều bạn đọc sẽ nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Một cuốn sách có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quan điểm, lối sống, nhân cách...của bạn. Đặc biệt là khi bạn đọc nó vào một thời điểm quan trọng của cuộc đời hay lúc bạn khủng hoảng về về niềm tin, con đường phía trước... Những cuốn sách hay đến đúng lúc cũng như những người bạn tốt xuất hiện vào những thời khắc bạn cần nhất trong cuộc đời. Nó thật đáng giá và sẽ thay đổi bạn mãi mãi. Vì những lẽ trên và thời gian hữu hạn của cuộc đời, bạn nên chọn sách để đọc. Mà nếu lỡ vì lý do nào đó cho đến nay bạn vẫn phải chấp nhận đọc những thứ bạn không được quyền lựa chọn thì chí ít bạn cũng nên làm điều đó cho con cái bạn. Vì chọn sách cũng như chọn bạn, cần rất nhiều trải nghiệm và cả sự khôn ngoan mà tuổi trẻ thường chưa có.

Vì sao phải phê phán sách?

Tôi rất thích câu nói của Mạnh Tử: Đọc sách mà tin hết cả vào sách thì thà đừng có đọc (Tận tín thư bất như vô thư). Phê phán sách là điều cần có ở một người đọc sách một cách khoa học. Cho dù người viết sách là ai thì họ không phải là ông thánh, và sách, cuối cùng cũng chỉ phản ánh kinh tri thức, kinh nghiệm sống và quan điểm của một cá nhân. Nó mang đầy đủ những hạn chế không tránh khỏi của không gian lịch sử mà tác giả đó sống và trải nghiệm. Vì vậy bạn có quyền và nên phê phán nó (tôi dùng chữ "phê phán" với nghĩa là đánh giá, bình luận). Đọc sách mà như ta đang đối thoại, tranh luận với tác giả thì đó mới là đọc sách đúng nghĩa. Nó giúp bạn hoàn thiện tri thức và bản lĩnh cá nhân.

Đọc sách như thế nào?

Khi lần đầu cầm trên tay bản tiếng Anh của cuốn sách How to read a book (Đọc sách như thế nào) được Mortimer Adler viết từ những năm 1940 của thế kỷ XX, tôi thực sự rất ngỡ ngàng. Một sự thật hiển nhiên là cần phải có một cuốn sách dạy ta cách đọc sách mà bấy lâu nay tôi không hề nghĩ ra. Các loại sách khác nhau cần phải đọc theo những cách khác nhau, thậm chí, vào những khoảng thời gian khác nhau và những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Bạn hẳn không thể đọc một cuốn tiểu thuyết văn học lãng mạn trong khi hàng đống công văn, giấy tờ đang chờ xử lý. Bạn cũng không nên mang theo một cuốn sách khoa học với những vấn đề hóc búa khi đi nghỉ cùng gia đình. Và, có những cuốn sách im lặng nằm cho bụi phủ trên giá sách nhẫn nại chờ bạn đủ trưởng thành và trải nghiệm để đọc và thấu hiểu nó. Có những lúc bạn lướt qua hàng trăm trang sách trong mấy chục phút đồng hồ để tìm thông tin cần thiết. Cũng có những lúc bạn ngồi đó, suy tư hàng giờ đồng hồ về chỉ một câu trong sách hay ngẫm nghĩ về câu nói: Đọc sách không phải là đọc những dòng chữ trong trang sách mà là đọc cái nằm giữa những dòng chữ đó.

Thay cho lời kết

Tôi có thói quen hay nhìn người khác đọc sách. Và khi tôi thấy ai đó bẻ cong gáy hay vần vò một cuốn sách, trong tôi trào dâng lên một cảm giác khó chịu. Có lẽ là tôi quá cực đoan nhưng nếu ta đã coi sách là một người bạn tốt thì sách xứng đáng được đối xử như một người bạn thật sự: Trân trọng, giữ gìn và yêu thương./.

T.Q.K

0 comments:

Post a Comment