Khuyến học.Fukuzawa Yukichi
Tri thức và phát triển. Nhà xuất bản Trẻ Nhóm nghiên cứu Nhật Bản Người dịch: Phạm Hữu Lợi
"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm."
Nguyên tác tiếng Nhật
Nhà xuất bản Iwanami Bunko
Kể
từ khi thiết lập chế độ quân chủ (1), nền chính trị Nhật Bản đã có
những thay đổ mạnh mẽ. Về mặt đối ngoại, chính phủ đã bang giao với
ngoại quốc trên cơ sở công pháp quốc tế. Về đố nội, chính phủ đã mang
lại tinh thần "tự do, độc lập" cho dân chúng. Người dân chúng ta đã được
phép mang đầy đủ họ và tên; được phép cưỡi ngựa... Đó là sự thay đổi to
lớn kể từ thuở lập quốc, tạo cơ sở bình đẳng về địa vị giữa các thành
phần Võ sĩ (samurai), Nông, Công, Thương trong xã hội.(2)
--------------------------------------------
Chú thích: 1.
Tức là việc Nhật Hoàng Minh Trị lên cầm quyền, chấm dứt 265 năm cai trị
của chính quyền phong kiến Mạc phủ ở Nhật Bản. Chính phủ Minh Trị đã mở
ra một chương mới trong lịch sử Nhật Bản với công cuộc Minh Trị Duy
tân, hiện đại hoá Nhật Bản. 2. Cho tới thời đó của Nhật Bản, chỉ có các
Võ sĩ (samurai) mới có quyền mang đầy đủ họ và tên. Còn mọi thành phần
khác trong xã hội chỉ được đặt tên nhưng không được phép mang họ. Nhờ sự
thay đổi này, người dân Nhật mới biết được dòng họ, gia phả của mình.
Cũng như vậy, ngoài tầng lớp Võ sĩ ra, không một ai được phép cưỡi ngựa -
là phương tiện di chuyển duy nhất thời ấy.
-----------------------------------------
Chế độ đẳng cấp - địa vị của một người được quy định trước cả khi người đó ra đời - đã hoàn toàn bị xoá bỏ. (1)
------------------------------------------
Chú thích: 1.Tiếng
Nhật gọi là mibun seido, chính sách do chế độ phong kiến Mạc phủ
Tokugawa đề ra. Chính sách này phân chia xã hội thành 4 loại: Võ sĩ
(samurai), Nông, Công, Thương hay còn gọi là Tứ giới và cấm không cho Tứ
giới được thay đổi nghề nghiệp. Cha là võ sĩ thì con cũng suốt đời là
võ sĩ, cha làm ruộng hay làm thợ thì con cháu cứ vĩnh viễn phải theo
nghề đấy... Lại cấm không cho người dân dược thay đổi chỗ ở, tự do di
cư, ai ở nông thôn cứ phải ở nông thôn, ai ở thành thị cứ phải ở thành
thị. Luật lệ của Mạc phủ cực kỳ nghiêm ngặt, người dân nào vì bất kì lý
đo gì mà tự động di cư, bắt được thì căng nọc khảo tra, dẫu có được dẫn
giải về nguyên cư thì cũng đã khặc khừ gần chết vì roi vọt. Và chính
sách này nhằm chủ yếu vào tầng lớp nông dân, buộc họ cứ phải ở nông thôn
cày ruộng để cung cấp thóc lúa cho Mạc phủ, nội có được bao nhiêu thóc
lúa gặt về thì cũng phải chờ Võ sĩ đến lấy thuế đã, phần còn lại mới
được phép xay ăn và làm vốn cho vụ tới. Nếu như không đủ số thóc thuế
quy định thì phải bán vợ đợ con đi để đong kỳ đủ thóc thuế. Nông dân
thời Mạc phủ chết đói liên miên bởi chế độ đẳng cấp này. (Nhật Bản tư
tưởng sử, tập 2, trang 131, Nguyễn Văn Tần dịch.)
------------------------------------------
Từ
nay trở đi địa vị xã hội của cá nhân sẽ được quyết định tuỳ theo tài
năng, phẩm cách và vai trò của mỗi người. Quan chức chính quyền được bổ
nhiệm theo tài năng và nhân cách, và là người thực thi luật pháp cho
chúng ta. Chúng ta kính trọng họ theo lẽ đó, chứ không phải chúng ta
kính trọng chức vụ và thành phần xuất thân của họ. Chúng ta không tuân
theo con người họ. Chúng ta chỉ tuân thủ Luật pháp (Quốc pháp) mà họ
đang thừa nhận.
Dưới thời chính quyền phong
kiến Mạc phủ, người dân chúng ta luôn phải khiếp sợ, né tránh, cúi rạp
mình trước các Tướng quân (1). Ngay cả lũ ngựa của các Tướng quân cũng
làm chúng ta hoảng sợ không dám đi chung đường với chúng; bầy chim cắt
dùng nhử mồi khi các Tướng quân đi săn bắn, cũng làm chúng ta kiếp đảm,
phải cúi lạy phải phủ phục cho đến khi lũ chim bay khuất mới dám ngẩn
đầu đứng lên đi tiếp. Người ta đã buộc chúng ta phải quen, phải sợ những
thứ được coi là "luật lệ", "tập quán" hà khắc ấy. Giờ đây nghĩ lại ai
ai cũng cảm thấy kinh tởm.
-----------------------------------------
Chú thích:
1.Tiếng Nhật là sogun, chỉ người có chức vị và thực quyền cao nhất
trong chính quyền Mạc phủ. -----------------------------------------
Nhưng thứ "luật lệ", "tập quán" đặt ra một cách vô
cớ đó, không phải là luật pháp hay quốc pháp để chúng ta phải tuân thủ.
Chúng là những thứ đã cướp đoạt mọi quyền tự do của chúng ta. Chúng là
những thứ được đặt ra để gieo rắt nỗi sợ hãi trong chúng ta trước uy
quyền của chế độ phong kiến Mạc phủ và nhằm để che đậy bản chất lộng
hành, không minh bạch của chính chế độ đó.
Giờ
đây, toàn bộ cái chế độ và luật lệ ngu xuẩn ấy đã bị xoá sổ. Vì thế,
không lẽ gì chúng ta cứ phải sợ bóng sợ vía các cấp chính quyền đó mãi.
Nếu
có gì bất mãn với chính quyền hiện tại, chúng ta phải kháng nghị, tranh
luận một cách đường đường chính chính. Tại sao chúng ta chỉ dám nói
xấu, kêu ca sau lưng họ mà không dám chỉ mặt vạch tên.
Những
kháng nghị hợp lòng dân, đúng đạo Trời, dù có phải đổ cả tính mạng
chúng ta cũng phải tranh đấu. Đây là bổn phận mà mỗi người dân chúng ta
phải thực hiện đối với đất nước.
0 comments:
Post a Comment