Sunday, January 1, 2017

NỖI HỔ NHỤC CỦA BẢN THÂN CŨNG LÀ NỖI HỔ NHỤC CỦA QUỐC GIA

Khuyến học.Fukuzawa Yukichi              
Tri thức và phát triển. Nhà xuất bản Trẻ Nhóm nghiên cứu Nhật Bản
Người dịch: Phạm Hữu Lợi

PHẦN BA:  HUN ĐÚC, NUÔI DƯỠNG CHÍ KHÍ ĐỘC LẬP RA SAO?

Nguyên tác tiếng Nhật 
Nhà xuất bản Iwanami Bunko




Giả dụ, có một số thương nhân địa phương muốn kiếm lời bằng cách buôn bán với người ngoại quốc, bèn khăn gói lên đường tới những đặc khu ngoại kiều(1) như Yokohama chẳng hạn. Lần đầu tiên trong đời đi gặp "ông Tây" để tính chuyện làm ăn. Vừa thấy cái dáng to lớn lừng lững của họ thì thương nhân ta đã hồn xiêu phách lạc. Lại càng khiếp vía khi thấy trong ca-táp của "Tây" hàng xấp giấy bạc. Được "Tây" đưa vào văn phòng bóng lộn nằm trong những toà nhà lộng lẫy thì thương nhân ta lại càng lúng túng, không biết đứng ngồi ở đâu, chân tay cứ lóng ngóng, không biết để đâu đặt đâu. "Tây" mời lên tàu hơi nước chạy một vòng biểu diễn, thương nhân ta cứ chóng hết mặt mày vì con "quái vật" đen xì này chạy nhanh quá. Và thế là ngay từ đầu, cái "gan" làm ăn của thương nhân ta teo hết cả lại. 
----------------------------------------- 
Chú thích: 1.Khu kiều dân: Theo hiệp ước ký với các cường quốc phương Tây, chính quyền phong kiến Mạc phủ phải để cho các nước phương Tây thiết lập các khu định cư cho người nước ngoài trên lãnh thổ Nhật Bản. Người phương Tây được quyền tự trị, quyền cư trú vĩnh viễn và quyền tự do buôn bán với các thương nhân Nhật Bản trong khu vực cư ngụ đó. 
 -----------------------------------------             
Có thương nhân đánh liều giao dịch thử thì trong bụng thán phục sao "Tây" cái gì cũng thông thạo, nhưng cũng lại sờ sợ vì thấy họ thật lắm thủ đoạn, thương thảo lúc cương lúc nhu thật khó lường. Cuối cùng bị ép ký hợp đồng, dù biết là thiệt mà vẫn phải nhắm mắt đặt bút ký, vì run sợ trước thái độ hung hăng xấn xổ của "Tây". Kết cuộc là phải nhận phần thua thiệt về mình.             
Ví dụ trên đây cho thấy không chỉ người thương nhân ấy thiệt hại mà phải xem đó là thiệt hại của cả quốc gia và không chỉ người thương nhân đó chịu sỉ nhục mà phải coi đó là sự sỉ nhục của cả quốc gia.             
Xét cho cùng, có lẽ từ bao đời nay, tầng lớp Thị dân(1) luôn sống khom lưng luồn cúi, không có tính độc lập nên mục rỗng từ trong ruột mục ra. Trong xã hội Nhật Bản, Thi dân bị Samurai chèn ép đầy đoạ. Tại các phiên toà họ cũng luôn bị xử ép, xử oan nên phần hồn của họ khó mà vực lại được. Đã không vực lại được cả phần xác lẫn phần hồn thì cũng đừng mong giao dịch, quan hệ bình đẳng với nước ngoài. 
--------------------------------- 
Chú thích: 1.Thị dân: Tiếng Nhật gọi là chonin, chỉ hai thành phần dân buôn bán và thợ thủ công sống ở các thị trấn hình thành vào thời Cận đại ở Nhật Bản. Dưới thời phong kiến Mạc phủ với chính sách "trọng nông, ức thương", hai thành phần này luôn bị khinh miệt.
 -----------------------------------            
Nói tóm lại bản thân mỗi người chúng ta không có tính độc lập thì cũng không thể giành được độc lập với nước ngoài.             
Lý do thứ ba là người không có tinh thần độc lập là người dựa dẫm vào quyền lực của người khác, chạy theo cái xấu.            
Dưới thời phong kiến Mạc phủ, có một kiểu tín dụng được goịi là "tín dụng mượn danh chúa". Đây là hình thức nhà giàu đứng tên lãnh chúa cho vây lấy lãi. Khi con nợ chậm trả, chủ nợ lợi dụng "cái ô" quyền uy của lãnh chúa để khiếu kiện và bao giờ cũng được toà xử cho thắng kiện kèm theo những điều kiện bắt bí con nợ. Vì sợ lãnh chúa, nên con nợ cũng phải tìm cách trả trước cho chủ nợ nếu không muốn bị rầy rà. Đây là cách làm để tiện. Lẽ ra, người vây chưa trả được thì người cho vay phải kiện lên chính phủ nhờ chính phủ can thiệp đòi giúp. Đằng này họ lại cứ mượn oai của lãnh chúa đe dọa người cho vay. Đương nhiên chắc cũng biết biếu xén hối lộ cho lãnh chúa. Thật là quá quắt.             
Bây giờ không còn nghe nói về kiểu tín dụng ấy nữa, nhưng biết đâu đấy vẫn có nhà giàu cấu kết với ngoại quốc có quyền thế, mượn danh họ để cho vay và bắt chẹt dân.             
Những thói quen xấu, tập quán xấu như vậy vẫn còn tồn tại. Sau này, người phương Tây được quyền tự do cư trú ngoài khu vực kiều dân thì các tập quán đó gặp thời chắc lại nổi lên lúc nào không hay. Cứ như thế thì quốc gia sẽ chịu tổn thất. Các tập quán đó cũng có thể coi là hành vi bán nước. Lợi dụng, cậy thế người có quyền lực làm bậy là như vậy.             
Tôi phải nói như trên, vì xuất phát từ thực tế là người Nhật Bản chúng ta không có tinh thần độc lập nên mới sinh ra đủ thứ xấu xa. Hiện nay, với tư cách là người Nhật Bản, nếu có lòng yêu nước thì mỗi người chúng ta đều phải suy nghĩ trước hết về độc lập cho bản thân mình, rồi hãy giúp đỡ người khác cùng độc lập. Cha mẹ phải khuyên dạy cho con cái, thầy giáo phải khuyên dạy cho học trò về tinh thần độc lập. Toàn thể nhân dân cùng phải giữ gìn độc lập, phải bảo vệ đất nước. Các chính trị gia, thay vì trói buộc nhân dân, chỉ biết tự mình khổ tâm động não lo chuyện quốc sự, chi bằng biết kết gắn nhân dân thành một khối, mang lại tự do cho nhân dân, dựa vào dân, sướng khổ cùng dân, có như vậy mới mong vượt qua được nguy cơ cho cả dân tộc. 
Tháng 2 năm Minh Trị thứ sáu (tức năm 1873)

0 comments:

Post a Comment