Cảnh trong Mùa len trâu
Chúng ta đã thấy hàng ngàn phong cảnh biển, hàng trăm hình ảnh non nước Hạ Long, nhưng tại sao, hình ảnh Hạ Long trong phim Đông Dương (Indochine)
qua góc nhìn của nhà quay phim Francois Catonne lại khiến hàng triệu
trái tim mê mẩn? Có ma lực nào trong ngôi nhà của nhân vật Huỳnh Thủy Lê
trong phim Người Tình (The Lover)
mà nhà quay phim Robert Fraisse say đắm vẽ nên? Và dòng sông Cửu Long
hùng vĩ mênh mang như một nhân vật, nhân chứng cho mối tình giữa cô gái
Pháp và chàng trai người Hoa trên xứ sở Nam kỳ có gì đặc biệt?
Cảnh trong Người tình
Khi làm phim Người Tình, đạo diễn Jean-Jacques
Annaud rất muốn thể hiện được cái nét đặc trưng, rất riêng biệt của
những dòng sông miền Nam. Làm sao cho dòng sông Cửu Long phải khác với
sông Hồng, sông Đà hay sông Hương? Ông đã hỏi câu này khiến nhiều người
Việt ngạc nhiên. Nhưng cuối cùng, chỉ có duy nhất một người trả lời
được. Đó là nhà Nam bộ học, nhà văn Sơn Nam. Ông trả lời ngắn gọn: Sông
miền Nam có lục bình trôi! Chỉ vậy thôi. Ông đạo diễn người Pháp đã ngỏ
lời mời nhà văn Việt Nam làm cố vấn cho bộ phim. Tôi chợt nhớ đến một bộ
phim của ta làm có cảnh dòng sông miền Nam. Nhưng dòng sông này, cụ thể
là mặt sông, sạch bong, không hề có một cánh bèo nào. Điều đó cho thấy
sự khác nhau, dù rất nhỏ bé, trong cách quan sát của hai nhà nghề Ta và
Tây.
Cảnh Hạ Long trong phim Đông dương
Hình ảnh dòng Cửu Long trong phim The Lover
Khi xem những cảnh trong phim Ba mùa (Three Season),
một đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam tỏ ra tiếc nuối nói với người viết
bài này: “Tất cả những cảnh đẹp của Việt Nam bị các nhà quay phim nước
ngoài lấy hết!”. Khán giả cứ muốn được nhìn lại cảnh những cậu bé đá
bóng trong mưa trên đường phố Sài Gòn khi đường phố lấp lánh nước trôi,
tựa như “Phố bỗng là dòng sông uốn quanh” (Trịnh Công Sơn). Họ
thấy trong phim cảnh giác hơi - một cách chữa bệnh dân gian của người
Sài Gòn cũng thật đáng chiêm ngưỡng. Và cảnh cuối của phim, cô gái điếm
trong trang phục áo dài trắng tinh, đi bách bộ trên con đường vắng. Và
cơn gió ào đến, một trận mưa hoa, toàn sắc phượng hồng, trút ngút ngàn
xuống cô. Cả người cô chìm trong ngàn vạn giọt mưa hoa. Cả một rừng hoa
đỏ tràn xuống cô, vây quanh cô và chảy dưới chân cô. Nhà quay phim Lisa
Rinzler đã vẽ lên bức tranh mộng ước của cô gái đẹp một cách kỳ lạ và
kinh ngạc.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc - Đồng Tháp
Cảnh quay ở khách sạn Continental Saigon trong Người mỹ trầm lặng
Đường phố Việt Nam trong phim Người Mỹ trầm lặng
Cảnh trong phim Người Mỹ trầm lặng
Khi xem phim Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American), khán giả bàng hoàng nhận ra, sao khách sạn Continental Saigon sang trọng đến vậy? Sao Hội An sâu lắng quá cảm tình? Sao những vườn chuối và núi non Ninh Bình ấn tượng như tranh cổ điển? Phải chăng nhà quay phim Christopher Doyle mang tâm hồn người Việt và cái nhìn của người họa sỹ phương Tây? Thực sự, chúng ta cũng vô cùng cảm kích trước những cảnh hùng vĩ và bi tráng trong phim Mùa len Trâu với những cơn mưa nhiệt đới dạt dào, với đồng nước chạy đến chân trời, với dãy núi Bà Đen thăm thẳm và, đặc biệt, là hình ảnh hàng trăm con trâu trùng trùng điệp điệp ngụp lặn, di chuyển trong sóng nước dập dềnh mênh mang. Nhà quay phim Yves Cape cho biết, ông rất thích những cảnh các chàng trai cao bồi lùa những đàn bò hàng ngàn con đi trong bão cát ở miền Tây nước Mỹ. Nên ông đã chuyển hóa tình yêu ấy trong Mùa len Trâu, làm nhân vật Kìm và đàn trâu trở thành “cao bồi dưới nước”. Quả là những hình ảnh mạnh mẽ, sinh động, ngang tàng, đầy sức sống. Những hình ảnh đó đã cuốn hút hầu hết những người xem ở nhiều quốc gia, châu lục hiểu thêm về vẻ đẹp trong tâm hồn người Việt.
Poster phim Ba mùa
Nguyên nhân vì sao các nhà quay phim
nước ngoài lại miêu tả những cảnh đẹp của Việt Nam thành công đến vậy?
Trước hết, phải nói đến yếu tố cảm xúc. Tâm hồn họ biết cảm nhận vẻ đẹp
và họ biết cách truyền những cảm xúc của mình qua những khung hình đến
với người xem. Điều này không phải là những yếu tố kỹ thuật thuần túy.
Máy quay, những kỹ thuật và công nghệ của các nhà quay phim hầu như
không kém gì nhau, thậm chí có thể thay đổi cho nhau, song yếu tố cảm
xúc và vẻ đẹp tâm hồn cũng như khả năng hiểu biết, yêu mến nhân vật và
câu chuyện của các nhà làm phim là điều không thể có ai, không thể có gì
thay thế được. Tiếp theo là góc nhìn của họ, người trong nghề gọi là
‘”kỹ thuật lấy cảnh” (mise-en shot). Tức là ống kính của nhà quay phim
luôn trung thành với cái nhìn của nhân vật, không nhìn cái gì thừa ra
hoặc thiếu đi, mà luôn nhìn chuẩn xác vào bối cảnh trong thời hạn chuẩn
nhất. Vì vậy, khán giả không thấy những cảnh rườm rà, thừa thãi một cách
không cần thiết mà bị đôi mắt của nhân vật cuốn đi và họ hòa nhập với
nhân vật và vào câu chuyện bằng chính điểm nhìn tập trung đó. Một số nhà
phê bình cho rằng, các nhà làm phim nước ngoài có khả năng làm “lạ hóa”
phong cảnh nước ta. Tức là những cảnh mà hàng ngày chúng ta thấy bình
thường, nhưng khi lên phim, sao mà đẹp mê hồn! Đó là một cách nói để
thấy rằng, cái nhìn của người nghệ sỹ cần luôn luôn mới mẻ và mang tính
khám phá. “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt tươi non” (Xuân Diệu).
Phong cảnh đất nước và vẻ đẹp con người Việt Nam như cánh đồng vô tận, không một ai và không thể nào miêu tả hết được.
Phụng Công
0 comments:
Post a Comment