Saturday, January 28, 2017

Lịch sử bí ẩn hơn 1.200 năm chuyên ám sát của ninja Nhật

Lực lượng ẩn thân, đến và đi như một làn khói được xem là những sát thủ đáng gờm nhất của Nhật trong thời kỳ phong kiến.


Ninja hay còn gọi là shinobi là những kẻ đánh thuê dưới thời phong kiến Nhật Bản. Nhiệm vụ của ninja gồm do thám, phá hoại, thăm dò, ám sát và tấn công quy mô.
Các phương thức hành động trong bóng tối của ninja được xem là “bỉ ổi” và không có lòng tự trọng so với samurai vốn trọng danh dự. Samurai cực kì có sự tự tôn trong chiến đấu và họ sẵn sàng tự mổ bụng để bảo toàn khí tiết.
Theo cuốn “Bách khoa thư võ thuật thế giới – quyển 1” của tác giả Green Thomas, ninja xuất hiện từ thế kỷ 15 dưới thời Senkoku. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ninja xuất hiện sớm hơn từ thế kỷ thứ 8 hoặc là 12 dưới thời Heian và Kamakura.
Thời kỳ từ thế kỷ 15 đến 16, các ninja và lính đánh thuê được các lãnh chúa hoặc samurai tuyển mộ, hoạt động rất mạnh quanh làng Iga và Koga, tỉnh Mie ngày nay. Hai địa danh này cũng là nơi khai sinh của phái Iga và Koga nổi tiếng nhất tại Nhật Bản.

Sau khi Nhật thống nhất ở thời Tokugawa thế kỷ 17, ninja bị chìm vào quên lãng. Dưới thời Minh trị 1868, ninja trở thành chủ đề được thêu dệt nhiều nhất ở Nhật Bản.

Tranh khắc gỗ ninja của họa sĩ Hokusai.
 Ninja xuất hiện chủ yếu trong các thần thoại, truyện dân gian với các năng lực đặc biệt như tàng hình, đi trên mặt nước, kiểm soát các nhân tố tự nhiên. Một số sách hướng dẫn và bí thuật ninja cũng được viết dựa trên các triết lý quân sự của Trung Quốc. Kết quả là, sự ảnh hưởng về văn hóa của ninja rất lớn, dựa trên các thần thoại từ thời Sengoku.
Dù truyện kể, huyền sử về ninja rất nhiều nhưng tài liệu chính thống rất hạn chế. Sử gia Stephen Turnbull khẳng định rằng ninja là những người thuộc tầng lớp cấp thấp được các lãnh chúa thuê. Sử gia Kiyoshi Watatani khẳng định rằng ninja được huấn luyện riêng biệt để hoạt động bí mật. Chính điều này khiến cho rất ít tư liệu và thông tin về họ bị lộ ra ngoài.

Bản thân từ ninja cũng có nghĩa là tiêu diệt đối phương hoặc xuất hiện mà không để cho người khác biết.

Kusarigama, một vũ khí thường sử dụng của ninja.
Sử gia quân sự Hanawa Hokinoyichi viết về ninja như sau: “Họ di chuyển bằng cách ngụy trang tới các khu vực khác nhau, đánh giá tình hình quân địch. Ninja đi vào lòng địch như thể đi vào chốn không người. Tường thành dù cao tới đâu họ cũng có thể vượt qua, châm lửa, ám sát rồi rời đi như một làn khói”.
Theo sử gia Turnbull, ninja là lính đánh thuê bí ẩn được các lãnh chúa cấp cao tuyển mộ. Vai trò chủ yếu của họ là do thám, phá hoại và ám sát. Trong đó, nhiệm vụ ám sát dành riêng cho ninja.
Trong thực chiến, ninja cũng có thể dùng để gây rối loạn trong lòng kẻ địch. Chiến tranh tâm lý cũng có thể xảy ra và từng được miêu tả trong cuốn Ou Eikei Gunki: “Trong lâu đài Hataya xuất hiện những tên ninja với kĩ năng tuyệt đỉnh. Một đêm nọ, đám ninja xuất hiện. Chúng lấy trộm cờ của lực lượng an ninh Naoe Kanetsugu, quay trở về đứng trên đồi cao và vẫy. Tâm lý chiến đã giành chiến thắng ngoạn mục”.

Trinh sát

Một ninja tên Yamato Takeru chuẩn bị giết một lãnh chúa. Tranh của Yoshitoshi năm 1886

Đây là nhiệm vụ quan trọng của ninja. Với sự hỗ trợ của các công cụ ẩn mình, ninja thu thập thông tin về địa hình, bố phòng, lực lượng kẻ địch cũng như cách thức truyền tin. Sử gia Nochi Kagami từng viết: “Ninja đến từ làng Iga và Koga, di chuyển tự do trong các lâu đài của địch như chốn không người. Họ thấy những điều không nhìn thấy rồi rời đi một cách êm thấm”.
Về sau, những ninja từ làng Koga được dùng làm lực lượng trinh sát chủ lực của các lãnh chúa thời kỳ Mạc phủ.

Phá hoại

Nhiệm vụ phá hoại chủ yếu của ninja là phóng hỏa. Họ thường nhắm vào các doanh trại quân đội và lâu đài. Trong nhật kí của cha trưởng tu viện Eishun từ thế kỷ 16 tại vùng Kofuku, ông có nhắc tới vụ phóng hỏa nghi do ninja nhóm Iga thực hiện: “Sáng hôm đó là ngày mùng 6.11 năm Tenbun thứ 10 (năm 1541), một nhóm ninja Iga lẻn vào lâu đài Kasagi rồi châm lửa đốt một phần nơi ở của những linh mục. Họ đốt cả gian ngoài ở San no Maru. Họ bắt giữ và chiếm đóng vùng San no maru và Ichi no Maru.
Một vụ việc đáng chú ý khác là lãnh chúa Rokkaku Yoshikata thuê ninja phóng hỏa. Nhóm 48 ninja này đã lẻn vào lâu đài, dập tắt toàn bộ đèn lồng. Sau đó, lợi dụng đêm tối, chúng châm lửa đốt phá. Kẻ địch của lãnh chúa Rokkaku đã buộc phải đầu hàng.

Ám sát

Ninja thường hóa thân thành các nhà sư để lẻn vào lâu đài đối phương.

Những vụ ám sát nổi tiếng nhất của ninja thường gắn với các nhân vật quan trọng. Đôi khi, cái chết của các nhân vật tiếng tăm bị “đổ lỗi” cho ninja.
Điển hình nhất là lãnh chúa Oda Nobunaga liên tục bị ám sát trong nhiều năm. Một ninja phái Koga từng được thuê ám sát Oda năm 1571 bằng súng hỏa mai. Người này bắn hai phát vào vị lãnh chúa nhưng không thể gây ra vết thương quá nặng vì ông mặc giáp. Ninja bỏ trốn rồi bị bắt sau đó 4 năm. Người này chết vì quân lính của Oda tra tấn.
Năm 1573, một ninja khác cũng xâm nhập vào lâu đài Azuchi và định ám sát Oda đang ngủ say. Tuy nhiên, ninja có tên Manabe Rokuro cũng thất bại và phải tự tử. Xác của Manabe bị bêu riếu ngoài phố.
Một lãnh chúa nổi tiếng khác là Uesugi Kenshin bị ninja ám sát. Người địa phương đồn rằng một ninja đã lẩn trốn ở nhà vệ sinh của Kenshin, sau đó sử dụng một lưỡi lê đâm chết vị lãnh chúa này. Tài liệu lịch sử lại khẳng định lãnh chúa này chết vì ung thư dạ dày chứ không phải bị đâm vào bụng.
Ngăn chặn ninja

Bộ trang phục truyền thống của ninja có màu tối.
Để ngăn chặn những sát thủ bóng đêm như ninja, các phòng tắm của lãnh chúa thường có ngăn bí mật chứa vũ khí hoặc vách kín để lẩn trốn. Các lâu đài ở Nhật Bản cũng xây dựng có chủ ý khiến ninja gặp nhiều khó khăn khi tìm đường. Nhiều điểm mù và hố ở trên tường giúp quan sát nếu có kẻ lạ đột nhập.
Chẳng hạn ở lâu đài Himeji có hệ thống mê cung rất phức tạp với bất kì kẻ nào lẻn vào. Tại lâu đài Nijo, cửa phòng sẽ kêu rất lớn nếu bị phá khóa. Sân vườn ở lâu đài này thường rải sỏi để đề phòng ninja xâm nhập.

Theo Quang Minh – Tổng hợp (Dân Việt)

0 comments:

Post a Comment