Sunday, January 1, 2017

ĐANG HẠNH PHÚC THÌ CHỚ QUÊN SẼ CÓ LÚC PHẢI ĐỐI MẶT VỚI TỦI NHỤC




Khuyến học.Fukuzawa Yukichi  
Nguyên tác tiếng Nhật 
Nhà xuất bản Iwanami Bunko
            
Tri thức và phát triển. Nhà xuất bản Trẻ Nhóm nghiên cứu Nhật Bản 
Người dịch: Phạm Hữu Lợi

PHẦN NĂM : LÒNG QUẢ CẢM CỦA CON NGƯỜI SINH RA TỪ ĐÂU?



Khi viết "Khuyến học", tôi vốn có ý định là cung cấp "sách nhập môn" hoặc "sách giáo khoa bậc tiểu học" cho độc giả. Cho nên từ Phần một đến Phần ba, tôi chủ tâm dùng nhiều tục ngữ, khẩu ngữ và câu văn cũng gắng viết sao cho độc giả dễ đọc, dễ hiểu.             
Từ Phần bốn trở đi, tôi thay đổi đôi chút cách hành văn, có đôi chỗ sử dụng những từ ngữ hơi khó hơn.        Riêng Phần năm này - ghi lại bài nói của tôi trong buổi họp mặt của hội Keio, nhân dịp ngày đầu
năm, mồng một tháng giêng năm Minh Trị thứ bảy - mang văn phong giống như Phần bốn. Và tôi e rằng sẽ khó hiểu hơn đối với bạn đọc.            
Vì Phần bốn và Phần năm này tôi muốn nhắm tới đối tượng là sinh viên và muốn luận đàm với họ.             Trong xã hội, sinh viện nói chung xem ra có vẻ uể oải, thiếu sinh lực. Nhưng họ có năng lực đọc rất tốt. Đối với họ, vấn đề càng khó càng muốn tìm hiểu. Vì vậy, cả hai Phần bốn và năm này, tôi không ngần ngại đưa ra vấn đề khó và nội dung bài viết cũng được nâng lên một cách tự nhiên. Tôi cũng thành thật tạ lỗi với các bạn mới học, vì đã làm sai chủ ý ban đầu của "Khuyến học".            
Từ Phần sáu, tôi sẽ trở về với ý tưởng mục tiêu ban đầu, viết sao cho dễ hiểu, kiên quyết loại bỏ các từ khó, câu khó, nghĩa khó. Mong bạn đọc thông cảm cho ý tôi ở hai Phần bốn và Phần năm này, chứ đừng vì thế mà đánh giá toàn bộ cuốn sách mà tôi đã và đang viết sẽ khó hiểu, xa rời với trình độ người học, người đọc.

"Hôm nay, mồng một tháng giêng năm Minh Trị thứ bảy, chúng ta họp mặt tại đây - trường tư thục Keio, để đón chào năm mới. Niên hiệu Minh Trị là niên hiệu Độc lập cho nước ta. Và trường tư thục này cũng là trường Độc lập trong xã hội ta. Sum họp ở trường Độc lập, đón năm mới Độc lập, chúng ta thật vui sướng. Nhưng khi đang hân hoan sống trong niềm vui sướng, chúng ta cũng không được phép quên rằng, sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục, buồn khổ.         
Từ xa xưa, nước ta đã bao lần hết lâm vào cảnh hoạn nạn, qua thanh bình, rồi lại loạn lạc. Chính quyền cai trị trên đất nước ta cũng biết bao lần hưng thịnh, suy vong. Nhưng chúng ta chưa bao giờ cảm thấy mất độc lập, mất nước. Vì quốc dân chúng ta đã quen với tập quán, phong tục của một đất nước "bế quan toả cảng", đất nước đóng cửa với nước ngoài. Đóng cửa với nước ngoài suốt bao đời nay nên đất nước ta chưa từng đứng trước nguy cơ bị nước ngoài xâm lăng, chưa từng rơi vào nguy cơ bị chiến tranh xâm lược. Và một khi đã cắt đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài thì việc loạn lạc hay thanh bình chỉ là vấn đề trong nhà giữa người dân ta với nhau mà thôi.         
Dân tộc ta đã từng kinh qua biết bao cuộc chiến tranh, nhưng đó chỉ là nội chiến giữa các thế lực trong nước với nhau. Chính quyền có thay đổi cũng chỉ là thay đổi từ thế lực này qua thế lực khác, và vẫn là thế lực Nhật Bản. Chính vì thế mà chúng ta chưa từng mất nước, mất độc lập dân tộc. Điều này cũng giống như những đứa trẻ sinh ra và được nuôi nấng, chăm bẵm trong vòng tay bảo vệ chặt chẽ của mọi người trong dòng họ, những đứa trẻ đó chưa từng một lần va vấp với cuộc sống bên ngoài gia đình. Những đứa trẻ như vậy chắc hẳn sẽ yếu ớt khi bước ra ngoài xã hội.         
Hiện nay, việc giao thương với phương Tây ngày một mở rộng. Mọi mối bang giao quốc tế đều ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các lãnh vực trong nước. Chúng ta đang ở trong tình thế tất cả mọi thứ đều phải xử lý trên cơ sở tìng toán hơn thiệt với phương Tây. Trình độ của nền văn minh hiện có ở nước ta là kết quả của bao đời ông cha chúng ta tự lực làm nên, nhưng nếu đem so với phương Tây thì rõ ràng "mình mới bước một bước thì người ta đã nhảy ba bước". Đã chậm hơn phưong Tây thì đương nhiên phải học, đàng này trong chúng ta lại nảy sinh tư tưởng chỉ biết ngồi bi quan than thở: vì họ chạy nhanh như vậy, ta có cố mấy cũng chẳng làm sao mà bằng được phương Tây.         
Và đến bây giờ chúng ta mới cảm nhận được một thực tế là nền độc lập của nước ta sao mà mong manh, yếu ớt đến thế khi đứng trước sức mạnh của phương Tây.


0 comments:

Post a Comment