Sự khác biệt của Aikido. Giữa Aikido và Judo, Karatedo,… thế nào? Câu hỏi này luôn luôn được nêu ra trong các cuộc biểu diễn Aikido. Khi bạn đọc về phần nói về kỹ thuật bạn sẽ được biết về chi tiết.
Nói chung, ta có thể nói rằng Judo sử dụng những kỹ thuật nắm bắt tay áo hoặc cổ áo rồi tìm dịp nắm cơ hội quật ngã đối thủ.
Trái lại, trong Aikido chính thời gian tiếp cận lại chính là thời
gian để hành động. Trước tiên chúng ta đứng cách xa nhau, giữ khoảng
cách đủ để đối phương chuyển động theo các kỹ thuật Aikido. Ở đây, không
có việc hai đối thủ túm lấy nhau hoặc xô đẩy nhau.
Ta cũng thấy điều khác biệt rất xa với Karatedo. Nói chung, các động tác
của Karate được xử lý bằng cách đấm hoặc đá. Do đó hầu hết các động tác
gần như theo đường thẳng, mặc dầu có một số chuyển động vòng tròn và
hình cầu. Toàn vẹn các chuyển động thẳng hiếm thấy trong Aikido.
Các động tác thường thấy trong Aikido có thể bắt gặp trong kiếm pháp
Nhật Bản hơn là trong Judo hoặc Karatedo. Mặc dù những biểu hiện của
Aikido khá khác biệt với kiếm đạo nhưng các động tác của nó lại dựa trên
căn bản kiếm đạo. Có thể dễ dàng giải thích kỹ thuật Aikido từ nguyên
lý của kiếm đạo hơn là từ các nghệ thuật khác.
Tổ sư thường phát biểu:
“Những ai tập luyện Aikido, nếu cầm kiếm thì phải sử dụng theo kỹ
thuật Aikiken và nếu cầm gậy sẽ tuân theo kỹ thuật Aikijo. Một thanh
kiếm hay một cây gậy là sự nối dài triển khai cánh tay và thân thể. Nếu
bạn cầm nắm chúng chỉ như thể là một vật thể mà thôi thì thật là vô ích,
bạn đã không học được Aikido chân chính.”
Phương thức huấn luyện Aikido có một số nét giống như kiếm pháp.
Người ta thường giữ khoảng cách chừng 1,8m (6 feet) giữa các đối thủ
ngay từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc.
Trong Aikido, mặc dầu bạn không cầm kiếm, bạn phải kiểm soát đối thủ ở
vào thời điểm mà khoảng cách với đối thủ trở nên có lợi cho bạn. Cách
cầm kiếm trong Aikido dựa trên kỹ thuật vận dụng toàn thân theo đường
xiên (Oblique Form), điều này có khác đôi chút với các kỹ thuật Kiếm đạo
hiện đại của Nhật Bản.
Như đã giải thích ở trên, Tổ sư đã nghiên cứu rất nhiều võ đạo khác
nhau, và Aikido dĩ nhiên đã hấp thụ và kế thừa các kỹ thuật đó. Nhưng Tổ
sư đã phát triển chúng xa hơn. Do đó, phần tinh túy của Aikido có khác
biệt với những võ đạo khác. Đôi khi việc huấn luyện Aikido được hiểu lầm
đơn giản chỉ là tập luyện các hình thức. Kỹ thuật Aikido thật là biến
hóa vô số. Phải hiểu rằng kỹ thuật bạn đang tập chỉ là hình thức tầm
thường của phần tinh túy Aikido.
Do đó Tổ sư dạy rằng: “Chuyển động của trời đất là chuyển động của chính chúng ta”. Đó là đích ta chưa đạt tới.
Trong Aikido không có hình thức, không có phong cách (style). Chuyển
động của Aikido là chuyển động của trời đất, tự nhiên; mà sự huyền diệu
của nó thật là sâu thẳm và vô tận. Do đó, Aikido thật sự khác biệt một
cách tinh tế với các võ đạo khác ở chỗ các võ đạo khác thường chỉ trụ ở
các hình thức. Khi ta dùng chữ “hình thức”, ta hàm ý rằng những kỹ thuật
của Aikido là những chuỗi hình thức vô tận. Điều này rất khác xa với
khái niệm “hình thức” theo cách hiểu định kiến thông thường.
Những kỹ thuật Aikido do đó khác biệt với với Judo, Kendo hoặc
Karatedo, nhưng về mặt tinh thần thì lại phù hợp những bí quyết của các
võ đạo khác.
Một sự khảo sát năng động về Aikido, những kỹ thuật Aikido cấu tạo hợp lý từ một quan điểm năng động. Nét tổng quát như sau:
Trong khi chuyển động, thân thể con người quay tròn như một cái bông
vụ. Nhưng khi không di chuyển, thế tấn của thân mình lại vững chãi,
thăng bằng của khối tam giác này là thế tấn lý tưởng của kỹ thuật
Aikido. Khi thân pháp chuyển động lại quay tròn như bông vụ. Trong chiều
hướng này, các kỹ thuật Aikido tìm đến trạng thái mà bạn có thể dời đổi
được trọng tâm của đối thủ bằng động tác hình cầu có tâm chính là trọng
tâm đan điền của bạn, do đó có thể tác động và quây tròn đối thủ vào
chuyển động của bạn.
Có một câu nói ngày xưa nói về bí quyết của Jujitsu: “Đẩy khi bị kéo
và kéo khi bị đẩy”. Một bài thơ đã ca ngợi các vị sáng tổ của các phái
Nhu thuật ngày xưa đã cho thấy rõ tài trí của các vị đó:
Nhẹ nhành như cành liễu
Đổi chiều dòng lực của cơn gió thổi đến.
Nếu tính cách mềm dẻo và mạnh mẽ là cốt tủy của sức mạnh thì sự huấn
luyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sự mềm dẻo là con đường dẫn đưa đến việc
đạt được sự mạnh mẽ. Hãy học điều đó, sự hữu dụng tinh tế của nó.
Những câu thơ ca tụng trên đây đã hình tượng hóa được nguyên lý của
sự mềm dẻo (trong thuật ngữ của Jujitsu có chữ “kỹ thuật uốn mềm” trong
khi Judo có chữ “phương thức uốn mềm”). Khi giải thích về nguyên lý
Aikido thì nó lại là: “Đổi chiều khi bị đẩy và nhập vào khi bị kéo”.
Động tác xoay tròn này khác biệt với các chuyển động thẳng trong Jujitsu
và nó có nhiều biến hóa hơn.
Chẳng những hữu dụng trong võ thuật mà còn hữu hiệu trong lãnh vực khác nữa. Đó là sự triển khai của động tác vòng cầu bao gồm cả những lực hướng tâm và ly tâm.
Cũng vì lý do này mà bạn và đối thủ của mình không phải là ở cái thế
đối lập, trong Aikido cả hai chỉ là một khối hội nhập dưới sự kiểm soát
của bạn, cả hai bị kiềm chế hoàn toàn bằng lực ly tâm của bạn phát ra và
lực hướng tâm do bạn dẫn về. Trong toàn khối có tính hệ thống, chuyển
động hình cầu của Aikido phô diễn nhịp điệu duyên dáng và động tác quay
tròn độc đáo. Các chuyển động này mang theo sức lực của nhiều phần trên
thân thể. Mỗi bộ phận cơ thể (tay, chân, bụng, hông, thân,…) phối hợp
với toàn thân tạo thành một hệ thống hết sức tự nhiên, mềm mại và tròn
đều.
Sự di chuyển theo đường tròn phải thật mềm dẻo, chính xác và giữ được thăng bằng như có sức mạnh nền tảng ở trọng tâm.
Ta có thể so sánh với hình ảnh một cối xay gió, rất nhạy cảm, có thể
xoay được cánh quạt và cối xay khi tiếp nhận một làn gió rất nhẹ.
CHÂN NHƯ
0 comments:
Post a Comment